Từ năm 2015 trở về đây, làn sóng startup nhỏ và vừa tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo sau sự phát triển này là sự hỗ trợ của chính phủ trong việc thiết lập hành lang pháp lý, đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích các tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm nghiên cứu, vườn ươm công nghệ, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp,… Để được xem là một startup, cá nhân hoặc doanh nghiệp phải khởi nghiệp đi kèm với ý tưởng có tính sáng tạo. Hiện nay, khởi nghiệp sáng tạo là thuật ngữ pháp lý của startup được ghi nhận trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017.
Nhằm làm rõ, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo thuộc là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Đây là những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh, gắn với những đỉnh cao của khoa học công nghệ hoặc sáng tạo những mô hình kinh doanh mới, cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong nhằm tạo dựng phân khúc thị trường mới và có cơ hội tăng trưởng nhanh, tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả công ty trên thế giới.
Chỉ thị 9/CT-TTg ngày 18/02/2020 của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Khoa học và Công nghệ,… thực hiện một loạt các giải pháp, nhiệm vụ tháo gỡ rào cản, vướng mắc, bổ sung cơ chế, chính sách tạo điệu kiện thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, bao gồm việc đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thành lập, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017 cùng các nghị định hướng dẫn đã có hiệu lực, tuy nhiên chưa rõ ràng vấn đề nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sẽ thực hiện theo thủ tục nào nếu không thực hiện xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Hiện tại, cần chờ hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này.
Ngoài ra, theo Luật Đầu tư 2020, dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được đưa vào đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư mới được bổ sung trong Luật Đầu tư 2020. Khai thác công nghệ, sở hữu trí tuệ là một trong các phạm vi được coi là dự án khởi nghiệp sáng tạo. Lĩnh vực công nghệ từ trước khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực đã có một số ưu đãi về thuế đối với những doanh nghiệp đủ điều kiện, gồm: hưởng ưu đãi thuế suất thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong thời hạn 15 năm hoặc miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo, không chịu thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo nếu được chọn vào đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa; hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung theo quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP.
0 nhận xét trong bài "Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo"
Đăng nhận xét
- Vui lòng gõ có dấu khi sử dụng tiếng việt.
- Nghiêm cấm spam link khác.
- Sử dụng ngôn ngữ có văn hóa khi comment.